TRONG VĂN PHÒNG CÔNG TY IMAGTOR RỘNG RÃI, TRÀN NGẬP ÁNH SÁNG và cây xanh ở tầng 3 tòa nhà Bưu điện Đại Kim ở Hà Nội một sáng thứ bảy đầu tháng 2.2019, gần 40 nhân viên tập trung thao tác liên tục trên những máy tính đời mới. Cách vài ô bàn làm việc lại có một chiếc xe lăn. Kể từ thời điểm công ty ra đời tháng 2.2016, luôn có ít nhất 40% nhân viên là người khuyết tật, trong đó có những người đến từ các tỉnh xa Hà Nội như Đắk Lắk, Bình Thuận.
Họ đang giúp các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất tiếp thị tốt hơn sản phẩm và dịch vụ của họ, đồng thời đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân thông qua các dịch vụ chỉnh sửa hình ảnh, video 2D/3D. Dù đơn đặt hàng đến từ bất cứ đâu và bất cứ giờ nào, họ đều luôn trả hàng đúng hẹn trong vòng 12-24 giờ kể từ khi nhận yêu cầu.
Khoảng 50% khách hàng của công ty là từ Mỹ, phần còn lại từ Úc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Imagtor, công ty do Nguyễn Thị Vân, đồng sáng lập và là chủ tịch vào năm 2016, khi cô 29 tuổi và cơ thể chỉ còn 20 kg do mắc bệnh teo cơ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Khi chỉ còn những ngón tay vẫn gõ bàn phím nhoay nhoáy, với số vốn ban đầu gồm 100 triệu đồng do cô tiết kiệm và 300 triệu đồng vay của bạn bè, công ty hòa vốn sau 13 tháng hoạt động.
Năm 2018, Vân cho biết công ty có doanh thu hơn 10 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận gần ba tỉ đồng. Mang lại thu nhập trung bình từ 8 triệu đồng trở lên cho 68 thành viên công ty, Imagtor dự định dành một phần lợi nhuận cho trung tâm Nghị Lực Sống, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin miễn phí cho người khuyết tật do anh trai của Vân, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sáng lập trước khi đột ngột qua đời năm 2012. Thay anh, Vân là người điều hành hoạt động trung tâm kể từ đó.
Trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam, Vân cho biết thành công bước đầu của Imagtor có thể quy về ba lý do quan trọng: niềm tin tuyệt đối của người sáng lập vào khả năng sáng tạo và sức lao động của người khuyết tật; đội ngũ lãnh đạo sát cánh cùng Nguyễn Thị Vân; tầm nhìn cũng như khát vọng của người sáng lập về một doanh nghiệp vừa vì lợi nhuận, vừa vì xã hội – mà cụ thể là vì người có khiếm khuyết về cơ thể cả nước. Theo số liệu điều tra 2016 - 2017 của tổng cục Thống kê, có khoảng 7% dân số Việt Nam chịu khiếm khuyết cơ thể, tương đương hơn 6 triệu người.
Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ chỉnh sửa hình ảnh, nhưng phần ‘ngách’ của dịch vụ này – phần nhắm vào các khách hàng thương mại – còn tương đối mới. Đây là quan sát của Vân khi còn làm cho một công ty Đan Mạch trong lĩnh vực này vào khoảng năm 2006. Cô nhận thấy hiếm có loại công việc nào hợp hơn cho người khuyết tật: chỉ mất từ 3 – 6 tháng đào tạo, không đòi hỏi di chuyển nhiều, thu nhập ổn định. Ý định thành lập một doanh nghiệp có lợi nhuận, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng và dịch vụ của mình thành hình khi Vân nhận thấy không có con đường lâu dài nào cho mô hình thiện nguyện, phi lợi nhuận nữa.
“Mô hình phi lợi nhuận thường không mạnh về quản lý tài chính, không chủ động về tài chính – lúc không có đủ ngân sách hoạt động, lúc lại có quá nhiều, nên dễ rơi vào bế tắc. Dù làm chương trình hay thế nào mà tài chính kẹt thì mọi thứ khác cũng phải dừng lại, không bền vững và khó phát triển lâu dài. Mà ‘sức khỏe’ của tổ chức không bền thì cũng khó thu hút nhân viên giỏi,” Vân nói. Với Imagtor, cô muốn thay đổi suy nghĩ chương trình hay mô hình kinh doanh của người khuyết tật luôn gắn với chuyện bán vé gây quỹ và sản phẩm do người khuyết tật làm ra có chất lượng không bằng thị trường mà giá lại đắt hơn.
Cùng với hai người bạn thân cũng là cựu học viên của trung tâm Nghị Lực Sống, Vân vất vả ngược xuôi lo thành lập công ty. Cô gặp cú sốc ban đầu khi hai người bạn tách ra riêng, do không cùng lý tưởng. Cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh khi nhận thấy đây là chuyện rất nhiều người gặp khi khởi nghiệp. Vân cũng hiểu rằng có bước tiếp mới có cơ hội thành công và khó khăn khi đội ngũ lãnh đạo ban đầu tan vỡ là cánh cửa mở ra để cô hợp tác với những con người tài giỏi, tâm huyết. Trong lúc đó, Phan Đình Bình, người bạn từng hỗ trợ Vân khi cô thử sức mở phòng bán vé máy bay cách đây 5 năm, đã giúp cô giấy tờ thành lập công ty, và sau đó trở thành cổ đông kiêm giám đốc của Imagtor.
THÀNH LẬP VỚI SỐ VỐN ÍT ỎI, công ty phải tiết kiệm tối đa để tồn tại. Căn hộ nhỏ ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội) vừa là nhà ở, vừa là văn phòng của hơn 10 người, từ giám đốc cho đến nhân viên. Nhờ đó, Imagtor tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể tiền thuê văn phòng. Việc tuyển dụng ban đầu không gặp khó khăn do trung tâm Nghị Lực Sống là nơi đào tạo về đồ họa và các kỹ năng công nghệ thông tin khác cho hàng trăm người khuyết tật.
Từ 2008 đến nay, họ đào tạo hơn 900 người khuyết tật, trong đó hơn 80% kiếm được việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình học. Thông tin tuyển dụng được quảng cáo công khai và các ứng viên phù hợp được phỏng vấn cạnh tranh. “Với công việc này thì vào lúc sức khỏe không tốt, nhân viên có thể làm ở nhà. Thậm chí nếu các em muốn tự kinh doanh, tự kiếm khách thì cũng không có vấn đề gì, vì Imagor chỉ là nền tảng cho các em chứ không phải là nơi các em ở lại mãi mãi,” Vân nói.
Sau bảy tháng mở công ty, họ có khách hàng đầu tiên là một người quen của Vân. Không có kinh phí tiếp thị, Imagtor chủ yếu sử dụng tiếp thị truyền miệng. Một phần do khách hàng thấy dịch vụ tốt thì giới thiệu cho người khác; một phần họ tìm đến khi thấy Imagtor tham gia các cuộc thi, sự kiện... và giành nhiều giải thưởng. Năm 2018, Imagtor lập cú hat-trick ở cuộc thi sáng kiến xã hội lớn nhất châu Á mang tên Social Venture Asia khi một lúc giành ba giải doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực áp dụng công nghệ, doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực giáo dục, và doanh nghiệp xã hội tiềm năng của châu Á.
Trước đó, Imagtor lọt vào tốp 4 dự án xã hội trong cuộc thi Thử thách Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG Challenge 2017) do UNDP Việt Nam và HATCH! VENTURES tổ chức. Truyền thông Việt Nam có rất nhiều bài viết, video về Vân, về quá trình trở thành giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống đến những giải thưởng danh giá dành cho thành quả xã hội của Imagtor. Hình ảnh Vân luôn tươi cười, tự chủ trên chiếc xe lăn cô mua hàng cũ từ Nhật Bản đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Không phải tự nhiên Vân trở thành một người phụ nữ tự chủ, tự tin và xông pha đến thế. Cô cho biết mình sinh ra trong một gia đình “rất khác nhà khác.” Dù ở quê cô, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn còn quan niệm gia đình có người khuyết tật trong nhà là điềm rủi; rằng người khuyết tật không thể làm gì có ích cho gia đình và xã hội, nhưng bố mẹ Vân không bao giờ nghĩ vậy.
Từ nhỏ, Vân và Hùng đã được bố mẹ cho tiếp khách cùng, miễn sao không nói leo, nói chen trong khi nhiều phụ huynh khác bắt con mình ra chỗ khác chơi hoặc ở yên trong bếp. Nhờ thế khi đi học, anh em họ đều mạnh dạn, không ngại tiếp xúc hoặc nêu ý kiến của mình. Khi học cấp 2, Vân đã được xem sổ sách bán hàng của mẹ, nắm tình hình chi tiêu của gia đình. Lên cấp ba, Vân tự mở quán Internet và trung tâm tin học cùng với Nguyễn Văn Thắng – người bạn đồng hương và cũng là cựu học viên của Công Hùng.
Cha cô là người suốt đời làm việc thiện. Ông tình nguyện làm việc cho các tổ chức thiện nguyện của Pháp, Đức, điều phối việc hỗ trợ các học sinh nghèo ở quê nhà. Nhìn lại tuổi thơ, Vân nhận thấy mình đã thấm nhuần tinh thần thiện nguyện từ cha lúc nào không hay. Rồi những năm tháng đồng hành bên anh trai đã giúp cô tích lũy kinh nghiệm điều hành một tổ chức về nhiều mặt, từ nhân sự cho đến đào tạo.
Imagtor không chỉ là dịch vụ về ảnh mà còn là hình ảnh đẹp Vân muốn để lại cho đời. Theo Vân, cũng như người anh trai, cô có thể ra đi đột ngột vì căn bệnh của mình, khi cơ thể cô giờ đây ở mọi tư thế đều có thể gây đau nhức. Đó là lý do khiến cô làm hết sức mình để Imagtor vẫn đứng vững mà không phụ thuộc quá lớn vào người đứng đầu như cô. Vân vẫn không quên những ngày chật vật điều hành trung tâm sau khi Nguyễn Công Hùng đột ngột mất trong một chuyến du lịch vì viêm phổi cấp ở tuổi 30, “lúc ấy chẳng ai biết tôi và tôi cũng chẳng biết ai.”
Là người biết Vân từ khi cô còn đứng sau anh trai để vận hành trung tâm Nghị Lực Sống, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên viên phân tích chính sách của UNDP Việt Nam, nói: “Vân làm được nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật. Thứ nhất là Vân rất chủ động thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Cô có xu hướng kết nối mọi người với nhau và khích lệ tinh thần làm việc cùng nhau. Thứ hai là Vân đã tổ chức một chuỗi các buổi trình diễn thời trang để xây dựng sự tự tin của cộng đồng người khuyết tật. Việc thứ ba là Vân tích cực tham gia nhiều diễn đàn khác nhau để nâng hình ảnh của người khuyết tật.”
Theo bà Huyền, thành viên ban tổ chức cuộc thi SDG Challenge 2017, Imagtor là mô hình giải quyết điểm yếu mà nhiều mô hình thiện nguyện khác gặp phải, trở thành cầu nối giữa một tổ chức phi chính phủ chuyên về đào tạo, trang bị kiến thức nghề nghiệp cho người khuyết tật với nhu cầu của thị trường. “Thường thì các mô hình hỗ trợ người khuyết tật khác chỉ dừng lại ở phần đầu. Vân đã giải quyết được cả hai.”
Còn Thắng cho rằng trong bối cảnh phần lớn người khuyết tật vẫn không có nhiều cơ hội học hành, nghề nghiệp không ổn định thì Imagtor là “một môi trường rất tốt mà Vân đã tạo ra. Các bạn được làm việc với nhau ở một nơi vui vẻ, hòa nhập tốt hơn, lương thưởng khá tốt. Có những bạn mới học xong ba tháng đi làm cho Imagtor có lương cao hơn cả tôi.”
Con đường của Vân không đơn độc. Cô nhận được rất nhiều sự hỗ trợ dành cho trung tâm Nghị Lực Sống và Imagtor từ các cá nhân ẩn danh, các tổ chức quốc tế và các đại sứ quán tại Việt Nam... Đàm Quang Huynh, CEO 27 tuổi của Imagtor, là người từng tham gia hỗ trợ tình nguyện ở trung tâm Nghị Lực Sống khi còn là sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Huynh là một trong những người đã hỗ trợ một phần tài chính để Vân mở Imagtor.
Giữa năm 2018, sau một thời gian lập nghiệp ở miền Nam, tích lũy được một chút kinh nghiệm kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, Huynh chuyển về Hà Nội khi thấy mình bị thuyết phục hoàn toàn bởi tầm nhìn của Vân dành cho Imagtor. “Trong miền Trung và miền Nam có rất nhiều người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm việc làm. Vân muốn nhân rộng mô hình như thế này ở những nơi đó, và thậm chí ở những nước xung quanh có tình hình tương tự,” Huynh nhớ lại.
Vân cho biết năm 2019 sẽ có nhiều bước tiến lớn của công ty, khi Imagtor vừa chuyển tới văn phòng rộng gấp ba lần nơi cũ, để mở rộng đội ngũ lên 100 người và tìm kiếm thị trường mới. Trong một năm qua, Vân đã bắt đầu bàn giao công việc cho những người mới xử lý và mọi thứ tiến triển rất tốt đúng như cô mong đợi. “Bây giờ và sắp tới tôi sẽ chủ yếu là người truyền cảm hứng và khích lệ mọi người cùng làm các công việc giống mình, tìm kiếm và đào tạo các “mini Vân”, nhân ra càng nhiều Vân càng tốt,” cô cho biết.
Dịch vụ chỉnh sửa ảnh/video ở Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh bằng giá, hàng rào gia nhập thị trường không cao. Vân tỏ ra không lo lắng nhiều về điều này bởi cô tin rằng thị trường sẽ dần dần tự điều chỉnh, giúp Imagtor lọc bỏ các khách hàng chú trọng giá rẻ và thu hút thêm các khách hàng ưu tiên chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Trong cuộc sống riêng, Vân không đơn lẻ. Sau thời gian làm quen qua Facebook, chàng kỹ sư Neil Bowden Laurence từ Úc đã qua Việt Nam gặp mặt Vân. Ba tháng làm quen rồi trở về Úc, Neil quay lại Việt Nam và họ kết hôn vào tháng 6.2018. Neil luôn chăm sóc, gắn bó với Vân như hình với bóng. Họ hay khiến cho người khác mỉm cười với những bức hình đầy lạc quan và những chú thích ảnh hài hước trên Facebook. “Đời đẹp nhất là mỗi sáng thức dậy được thấy cả tiền lẫn tình đang vui vẻ bên nhau” – như một chú thích cô viết khi chụp Neil ngồi uống cà phê bên cạnh lọ hoa đồng tiền.
Tác giả: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: KIM LONG
(*) Tựa theo bản in: Vẻ đẹp cuộc sống (tạp chí Forbes Việt Nam số 70, tháng 03.2019