Nghệ sĩ Quốc Đạt: Vẽ thế giới bằng âm thanh

16:03:0716/06/2017

Nhạc jazz được xem là một trong những dòng nhạc khó chơi, đòi hỏi trình độ rất cao. Việc một nghệ sĩ khiếm thị chơi nhạc jazz điêu luyện như Quốc Đạt là điều gần như là thần kỳ.

Chơi loại nhạc khó

 

Tôi biết nghệ sĩ piano Quốc Đạt từ câu lạc bộ jazz của nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn. Trong các buổi biểu diễn của mình, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thường vinh dự và hào hứng giới thiệu với khán giả - chủ yếu là người nước ngoài, một nghệ sĩ nhạc jazz trẻ tài năng của Việt Nam. Rồi người ta thấy nghệ sĩ Quốc Đạt được dẫn lên sân khấu và ngồi trước piano. Quốc Đạt bị mù từ năm 2 tuổi và tới năm 6 tuổi bắt đầu học đàn trong trường khiếm thị tại TPHCM. Song khi nghe Quốc Đạt chơi đàn, người ta không có bất kỳ “vướng bận” nào rằng đây là tiếng đàn của một người khiếm thị. Quốc Đạt chinh phục người nghe nhạc jazz chính bằng thứ âm nhạc vừa chỉn chu lại vừa mạnh mẽ của mình. Khán phòng tràn ngập những tiếng vỗ tay còn ban nhạc, các nghệ sĩ khác cũng như được tiếp thêm nhiều cảm hứng sáng tạo lẫn tình yêu âm nhạc có lẽ là vô tận.

a1m_unlw

                   Nghệ sĩ Quốc Đạt chơi nhạc với nghệ sĩ quốc tế. Ảnh: Trần Nguyễn Anh

 

Nghe Quốc Đạt chơi đàn, anh Văn Hiệp, giảng viên Trường Nghệ thuật quân đội tại TPHCM nói: “Quốc Đạt có kỹ năng chơi đàn của một bậc thầy mà người sáng mắt cũng không có được”.

 

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn phát hành khá nhiều CD online biểu diễn kèn saxo, những đĩa này được bán trên một trang mạng âm nhạc lớn của Mỹ. Các nhà mạng thường đặt nghệ sĩ Trẩn Mạnh Tuấn chơi các bản nhạc đang được khán giả yêu thích rồi xuất bản tại Mỹ, một thị trường âm nhạc quốc tế đòi hỏi rất cao về tính nghệ thuật. Không ai khác, chính Quốc Đạt là một nghệ sĩ đã tham gia ghi âm rất nhiều tác phẩm cùng Trần Mạnh Tuấn. Có lần, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhận xét: “Quốc Đạt có thể biến tất cả các tác phẩm vào tay cậu ta trở thành những tác phẩm nhạc jazz hấp dẫn”. Quả vậy, ngoài việc chơi những tác phẩm jazz kinh điển của nước ngoài, Quốc Đạt còn chơi nhiều tác phẩm Việt Nam theo phong cách nhạc jazz.

Khán giả ở khu Phú Mỹ Hưng, TPHCM đã được xem tài nghệ piano của Quốc Đạt kết hợp với tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn trong các tác phẩm oftly as in a morning sunrise và Willow weep for me Crescent Mall.

 

Khám phá cuộc sống

 

Làm việc cùng ekip với nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, có thể nói là một công việc vừa thỏa mãn đam mê chơi nhạc jazz vừa cho thu nhập ổn định, nhưng hơn 2 năm sau, Quốc Đạt đã “trở thành người tự do” với việc tự mình đi tìm kiếm sô diễn cho bản thân. Người nghệ sĩ khiếm thị này nói: “Em còn trẻ, không muốn gắn mình với một tụ điểm hay một dòng nhạc nào mà muốn khám phá cuộc sống”.

 

Quốc Đạt thuê phòng trọ ở với mẹ, căn phòng chật chỉ mấy mét vuông, đến cây đàn organ cũng phải dựng lên nhường chỗ cho người ngồi. Đạt có thể thu âm những tác phẩm trong căn phòng chật chội ấy, nhưng xung quanh luôn vang tiếng trẻ con, tiếng xe cộ và cả những tiếng cãi vã. “Ngoài thời gian nghỉ ngơi ra, em tập nhạc – anh chàng nghệ sĩ có đôi tay thay đôi mắt nói – Em thực sự không thể tính ra mỗi ngày mình tập nhạc bao nhiêu tiếng nữa!”. 

 

Công việc thu âm khá khó khăn: “Em không có một nơi chốn cho riêng mình nên không có được sự thoải mái trong việc thu âm” – nghệ sĩ nói. Công việc của Quốc Đạt diễn ra suốt cả tuần, ở khắp mọi nơi trong thành phố với đủ mọi loại công việc. Hôm nay chơi nhạc ở quán bar ngay trung tâm quận 1 nhưng ngày mai đã chơi nhạc ở bên kia sông Sài Gòn. Hôm nay chơi cùng các nghệ sĩ tên tuổi của thế giới trong một quán nhạc toàn nghệ sĩ và người xem là ngoại quốc, ngày mai lại đệm hát cho các bạn sinh viên trong một quán nhạc bình dân ở phố Trần Hưng Đạo. Có những buổi biểu diễn được tổ chức công phu, giờ giấc rất chuẩn, nhưng lắm hôm nhân viên ở quán gọi điện bảo: “Vợ chồng anh chị chủ bận việc nên hủy buổi làm hôm nay anh nhé!”.

 

Thật ra quán nhỏ hay quán lớn, quán sang hay quán nghèo, khán giả đông hay ít, người nghệ sĩ khiếm thị chỉ có thể đoán hoặc hỏi han mọi người. Mỗi lúc giải lao, vớ được ai đó tới làm quen, Đạt lại hỏi: “Quán hôm nay đông không nhỉ?”. Mọi người bảo: “Đông lắm Đạt ạ”, thế là lại cảm thấy thoải mái, yên tâm với công việc mình đang làm.

 

img_20171209_214221_jpqz

                                                  Tranh: Nguyễn Văn Hổ

 

Nghĩ về cuộc đời

Quốc Đạt nói với tôi: “Với em, cuộc sống âm nhạc Việt Nam hiện nay khá bình lặng, hay nói đúng hơn là chẳng có gì lớn lao tới mức em quan tâm”. Quốc Đạt chơi nhạc trước hết là bởi đam mê và sự thôi thúc. Câu chuyện về những nghệ sĩ tiếng tăm, những cát xê khủng, những lượng view khủng… với người nghệ sĩ khiếm thính như cơn gió thoảng qua.

Quốc Đạt chơi khá thân với Bảo Châu, con trai của nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến. Bị hủy sô diễn bất ngờ, Đạt tìm lên ngay quán của Bảo Châu đang chơi nhạc. Ngồi nghe bạn chơi một lúc, Đạt bảo với Bảo Châu: “Để tôi đánh mấy bài đỡ nghiền nhé!”, thế là con trai của nhạc sĩ Quốc Dũng phải nhường đàn cho bạn.

Không chỉ chơi piano, organ, Quốc Đạt còn hay chơi đàn guitar với bạn bè ở quán La Trầm và vài nơi khác. Câu chuyện muôn năm cũ vẫn chỉ là âm nhạc, các các phẩm và sau đó sẽ là chơi vài bản nhạc. Một clip Đạt cùng nghệ sĩ Hoàng Minh, Anh Mạnh (cũng là một nghệ sĩ khiếm thị) chơi bài Hotel California được hơn 40.000 lượt xem và nhiều bạn khen là “tuyệt vời” vì hai nghệ sĩ khiếm thị chơi chung rất ăn ý.

Anh Mạnh cũng là một nghệ sĩ khiếm thị, xuất thân từ trường Nguyễn Đình Chiểu nói: “Những đứa nhỏ khiếm thị như chúng em lúc vào trường mỗi bạn theo đuổi một môn học chính của mình cũng là để có nghề mưu sinh sau này, không ít bạn học nhạc, nhưng kiếm sống được bằng nghề nhạc như Quốc Đạt là rất hiếm”. Mạnh giải thích: “Với người sáng mắt, việc chơi nhạc jazz đã khó rồi, huống hồ gì chúng em”. Tại TPHCM hiện chỉ có 3 nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn khá nhiều và kiếm sống thường xuyên bằng nghề nhạc là Quốc Đạt, Anh Mạnh và Hà Chương…

Không chỉ dùng âm nhạc để mưu sinh, nghệ sĩ Quốc Đạt còn được mời chơi nhạc giới thiệu cho các hãng đàn, nhạc cụ, giới thiệu các kỹ thuật cho các bạn học nhạc trên internet. Đạt nói: “Em nghĩ internet giúp cho những nghệ sĩ khiếm thị được biết đến nhiều hơn. Khi em đi biểu diễn, rất nhiều người nói rằng họ biết em qua các clip quay và phát trên internet. Nhờ đi diễn đó đây mà em cảm thấy em được gần gũi hơn với mọi người, còn trước kia, hầu như em chỉ giam mình trong phòng với cây đàn”.

Một số khán giả đã không tiếc lời bình phẩm về Quốc Đạt, gọi anh là “siêu nhân trong làng giải trí Việt”. Một số nghệ sĩ trầm trồ: “Hầu như chúng ta chơi bài nào, Quốc Đạt cũng đều biết, thuộc và chơi được cả. Nhưng khi Quốc Đạt báo bài anh ta sắp đánh thì ban nhạc nào cũng phải lo lắng, bởi rất nhiều bài rất mới và rất khó chơi!”.

 

Trần Nguyễn Anh

Trích từ báo Tiền Phong - T12/2017